Trước ngày khai giảng, vào chiều ngày 4/9, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tổ chức họp báo khai giảng năm học mới 2016 – 2017, cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tình trạng học thêm, dạy thêm, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và trách nhiệm cho thế hệ trẻ.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định phương pháp của năm học mới là tăng cường kỷ cương, nề nếp đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Cần có lộ trình giảm dạy thêm, học thêm
Giáo dục cần coi học sinh là trung tâm, chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc trẻ mầm non. Đối với giáo dục phổ thông cần chú trọng các giá trị đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm của thanh niên với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội…Đồng thời khắc phục tình trạng học thêm, dạy thêm sai quy định. Các trường cao đẳng, đại học, giáo dục chuyên nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định rằng việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu mà nhiều nước thực hiện như Hàn Quốc, Nhật Bản…. Cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá vấn đề dạy thêm, học thêm và phải có văn bản cụ thể quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ muốn giảm dạy thêm học thêm, tất cả phải theo lộ trình bao gồm cả việc chỉnh sửa chương trình sách giáo khoa và thi cử.
Bộ trưởng cho hay: Đổi mới sách giáo khoa tuy muộn mà chắc, cần có chương trình tổng thể và chương trình môn học. Làm sách giáo khoa phải công khai, minh bạch, kết hợp nâng cao chất lượng giáo viên, giáo viên cần đóng góp cho chương trình. Bộ khuyến khích các địa phương, các trường chủ động dựa vào khung mà Bộ đưa ra để phân bổ hợp lý việc dạy học.
Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm về Thông tư 30, VNEN
Đối với thông tư 30, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã rút kinh nghiệm, khắc vụ và sửa đổi, tính toán cho phù hợp với lộ trình.
Hiện nay, với thông tư 30 các thầy giáo cô giáo phải ghi chép rất nhiều, do đó cần điều chỉnh để có thể sử dụng các công cụ máy tính. Ngoài ra, đánh giá học sinh còn nhiều hạn chế về sự khách quan, chủ quan khiến cho cả thầy cô và phụ huynh chưa biết cách đánh giá như thế nào theo Thông tư sửa đổi sang A, B, C.
Mức A: Học sinh nắm vững kiến thức được giáo viên truyền đạt, thành tạo và vận dụng linh hoạt các kiến thức, kỹ năng đã được thầy cô hướng dẫn; hoàn thành tốt các bài tập được giao và hứng thú với môn học và các hoạt động giáo dục.
Mức B: Học sinh nắm được kiến thức cơ bản, có kỹ năng và biết cách vận dụng kiến thức, hoàn thành nhiệm vụ của môn học và các hoạt động giáo dục thầy cô giáo.
Mức C: Học sinh chưa nắm vững được kiến thức, chưa hoàn thành nhiệm vụ, thiếu kỹ năng. Tuy nhiên C không có nghĩa là kém.
Với mô hình trường học mới VNEN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và không phải nơi nào cũng có thể áp dụng được ngay và thời gian qua việc đua nhau thực hiện khi mà chưa chuẩn bị được cả lượng về chất mà cứ áp dụng máy móc đã gây ra nhiều hiểu lầm. Do đó, Bộ rút kinh nghiệm trong việc hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra đánh giá, nhân rộng và phổ biến…