Trong nghệ thuật giao tiếp, bắt tay là một kỹ năng quan trọng, một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp. Nó không chỉ thể hiện tình tôn trọng, quý mếm khi bắt đầu và kết thúc buổi nói chuyện mà cách bắt tay nhiều khi còn để lại “dấu ấn” cho đối phương.
Bắt tay là một kỹ năng giao tiếp, một cử chỉ văn hóa, một kỹ năng sống vì thế nhiều cái bắt tay có thể làm cho đôi bên xích lại nhau gần hơn và cũng nhiều khi sơ xuất trong việc bắt tay cũng khiến đối tác tự ái mà liên lụy tới công việc.
Bắt tay đúng nghệ thuật giao tiếp
Bắt tay thường được thực hiện sau khi giới thiệu. Vì ngay khi gặp lần đầu, cách bắt tay là phương thức giới thiệu về bạn và gây ấn tượng với đối phương. Thường thi người ta sẽ bắt tay và lắc trong 3 đến 4 nhịp là vừa đủ vì lâu quá sẽ thành lố và bất lịch sự. Hãy tận dụng kỹ năng bắt tay một cách hiệu quả để thể hiện với đối phương bạn là người bản lĩnh, tự tin và chân thành.
Trong nghệ thuật giao tiếp, người có tuổi và có địa vị xã hội cao thường là người sẽ chủ động bắt tay; còn đối tác ngang nhau thì bên chủ nhà sẽ chủ động. Nhưng đôi khi việc chủ động bắt tay ra trước bất kể địa vị xã hội cũng là sự “táo bạo” gây ấn tượng về sự tin tin và thái độ tích cực hợp tác.
Khi bắt tay, bạn phải đứng. Đây là yêu cầu bắt buộc, khi bạn ngồi mà có người chìa tay ra bắt thì hãy đứng lên và nắm lấy tay họ trừ trường hợp bạn không thể làm được vì sức khỏe. Vì tư thế của bắt tay là tư thế ngang hàng.
Trong lúc bắt tay, hãy duy trì ánh mắt của bạn và đối tác đồng thời tiếp xúc tay với tay giữa đối tác và bạn. Đừng để cái bắt tay lỏng lẻo hay quá chặt.
Bắt tay nói lên tính cách và con người bạn. Người bắt tay nhẹ và không có lực thường là sự hời hợt hoặc lo lắng còn người bắt tay chặt được cho là người tích cực, nhiệt tình và mạnh mẽ.
Những lưu ý khi bắt tay
Khi bạn chủ động bắt tay ai đó hãy tiến lại phía họ và chủ động với nét mặt tươi cười rồi đứng ở khoảng cách phù hợp, chìa tay về phía họ. Nắm cả bàn tay đối phương sao cho ngón cái khít ngón cái của họ rồi lắc ba đến bốn nhịp rồi buông là vừa đủ.
Không để tay ướt, bẩn hay dính mồ hôi khi bắt tay. Và chỉ bắt tay khi cả hai đang đứng hoặc đang ngồi chứ không để người đứng người ngồi. Đối với người lớn tuổi, khi bắt tay bạn cần cúi thập người hơn một chút để thể hiện thái độ kính trọng nhưng không nên khúm núm, nịnh bợ.
Bắt tay là nét đẹp trong văn hóa giao tiếp nhưng không cần thiết trong đám cưới vừa cụm chén vừa bắt tay trong các đám cỗ vì như vậy thật rườm rà và mất vệ sinh. Hãy để bắt tay là màn chào hỏi ban đầu để làm quen cho những cuộc nói chuyện tiếp theo, vì thế bạn hãy sử dụng bắt tay hiệu quả, đúng cách để giữ được đúng ý nghĩa của cử chỉ thân thiện này.