Thursday , April 25 2024
Trang chủ / Giáo dục / Nhân tài “một đi không trở lại” là tổn thất lớn cho quốc gia

Nhân tài “một đi không trở lại” là tổn thất lớn cho quốc gia

Những nhân tài được cử đi học bằng ngân sách của Nhà nước, một đi không trở về nước nhà làm việc theo đúng cam kết là tổn thất lớn về kinh phí và niềm tin, hy vọng của đất nước.

Qua câu chuyện liên quan tới vụ kiện tụng một loạt nhân tài ở Đà Nẵng đã sử dụng tiền ngân sách của Nhà nước đi du học, nhưng rồi không trở lại quê hương làm việc đã khiến xã hội lo ngại vì không chỉ gây lãng phí tiền bạc của nhà nước mà còn làm mất niềm tin, sự hy vọng của đồng bào.

Trước đó, Quốc hội cuối năm 2015 đã bàn tới câu chuyện “Vì sao người giỏi không về nước làm việc?”, rằng tại sao có 13 em học sinh đạt giải cao trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” được cử đi học thì có đến 12 em không trở về nước?

nhan-tai-mot-di-khong-tro-lai-la-ton-that-cho-quoc-gia-1

Tại sao nhân tài nước nhà một đi không trở lại?

Đã có nhiều người giỏi đi học ở nước ngoài không trở về nước với các lý do rừng về nước cảm thấy lãng phí tài năng vì môi trường làm việc, cơ chế chính sách, lương bổng trong nước chưa thực sự hấp dẫn để họ phát triển.

Đúng như vậy! HIện nay nhiều địa phương, cơ quan tuyển dụng tiêu cực theo kiểu nhất thân nhì quen, nhất quan hệ, nhì tiền tệ…Nhưng những lý do bạn trẻ có tài năng đưa ra thực sự chưa thuyết phục, không phải cơ quan nào cũng gây khó dễ với nhân tài, cũng có rất nhiều cơ quan ưu tiên, đón nhận người giỏi về làm việc và cống hiến.

Minh chứng cụ thể cho điều này là bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu con trai của GS Nguyễn Lân Dũng sau khi học tập ở nước ngoài về đã trở thành người phẫu thuật nội soi tim hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù, bác sỹ Hiếu được rất nhiều bệnh viện lớn trên thế giới mời sang làm việc nhưng bác sỹ vẫn làm trong nước. Hoặc như Tiến sỹ Lê Xuân Định tốt nghiệp xuất sắc tại Cộng hòa liên bang Đức khi về được cất nhắc làm Cục trưởng cục Thông tin khoa học Công nghệ Quốc gia. Ngay như ở ĐH sư phạm Hà Nội, có nhiều nghiên cứu sinh đi học tập rồi vẫn trở về nước và việc tuyển dụng ở trường rất khắt khe, nghiêm túc…

Về vấn đề lương bổng, cơ chế chính sách dành cho cán bộ có trình độ cao thực sự chưa hợp lý trong khi ở nước ngoài, các bạn trẻ dễ tìm việc làm với mức lương cao, điều kiện sống tốt hơn.

Nhân tài và “món nợ” với quê hương

Trong thời gian qua, tình trạng cán bộ đi học tập ở nước ngoài theo đề án 922 – Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi đi học bằng ngân sách nhà nước thì rất nhiều trong số này không trở về quê hương làm việc theo đúng cam kết.

nhan-tai-mot-di-khong-tro-lai-la-ton-that-cho-quoc-gia-2

Kinh phí cử cán bộ đi học tập cao hơn mức sống của người dân Việt Nam rất nhiều. Việc các nhân tài một đi không trở lại phục vụ quê hương đất nước là có lỗi và gây ra tổn thất lớn với nhà nước và nhân dân. Đây chính là món nợ của các bạn đối với dân tộc.

Để khắc phục tình trạng trên, cần xây dựng chế tài nghiêm khắc đối với những cán bộ cử đi học bằng ngân sách Nhà nước mà không thực hiện đúng cam kết ban đầu là trở về làm việc, kiến thiết và xây dựng quê hương để không lãng phí ngân sách nhà nước và nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Ngoài ra cũng cần nhìn nhận, thay đổi tư duy cần nghĩ tới việc Nhà nước và nhân dân cử người giỏi đi học là sự quan tâm, đầu tư của đất nước vào thế hệ trẻ tài năng, vì thế cần có trách nhiệm công dân với nơi mình sinh ra và lớn lên. Đồng thời, các cơ quan quản lý và cả nhân tài cũng cần nhìn lại chính mình để không lãng phí chất xám và thực hiện trách nhiệm với đất nước.