Trí tuệ cảm xúc là gì? Khi một người nào đó có trí tuệ cảm xúc cao tức là người đó hiểu rõ bản thân và hiểu được cảm xúc của người khác. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong nội dung bài viết dưới đây.
Trí tuệ cảm xúc là gì?
Bạn đã bao giờ gặp một ai đó có kỹ năng lắng nghe tuyệt vời chưa? Đó hẳn là người trong bất kỳ tình huống nào luôn biết cách chia sẻ điều gì và chia sẻ như thế nào để bạn không buồn bã, tuyệt vọng. Họ là người quan tâm và chu đáo, cho dù không giúp bạn tìm ra giải pháp hay giải quyết vấn đề thì chí ít cũng không làm bạn mất đi niềm tin và hy vọng.
Bạn đã bao giờ gặp một người có khả năng kiểm soát cảm xúc đến “đáng sợ” chưa? Người mà không bao giờ tỏ ra giận dữ trong mọi tình huống éo le, áp lực, oái ăm… mà thay vào đó, lại có khả năng nhìn nhận vấn đề thấu đáo và bình tĩnh gỡ rối, tìm ra phương án giải quyết.
Họ nhận những lời phê bình một cách chân thành, tiếp thu và vận dụng nó khi thấy hợp lý; đưa ra quyết định chính xác, biết khi nào cần tin vào trực giác và thành thật, khách quan với bản thân.
Để trở thành người như vậy, bạn cải thiện trí tuệ cảm xúc để hiểu mình hơn bất kỳ ai và hiểu được cảm xúc của người khác.
Trí tuệ cảm xúc là khả năng, năng lực nhận biết cảm xúc của chính mình và biết nó ảnh hưởng như thế nào với những người xung quanh và cảm nhận của mình về người khác. Bởi khi bạn hiểu được cảm xúc của họ như thế nào bạn mới có thể giúp bạn xây dựng một quan hệ tốt đẹp hơn.
Mỗi người có một cá tính, mong muốn và cách thể hiện tình cảm, ước muốn, cảm xúc khác nhau. Điều này được thể hiện qua cách cư xử, sự khéo léo khi mà chúng ta muốn thành công hơn trong sự nghiệp và cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà trí tuệ cảm xúc trở nên quan trọng hơn.
Vậy làm thế nào để có thể nâng cao trí tuệ cảm xúc của bản thân?
Trí tuệ cảm xúc của mỗi người có thể thay đổi nhờ cách rèn luyện, phát triển. Hiện nay, có nhiều sách, tài liệu giúp bạn đánh giá trí tuệ cảm xúc của bạn và đưa ra cho bạn cách rèn luyện. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một vài phương pháp dưới đây để nâng cao trí tuệ cảm xúc của bản thân:
Hãy quan sát, nhìn nhận cách bản thân phản ứng với người xung quanh rằng bạn có vội vàng đánh giá một con người, một sự việc trước khi bạn biết hết sự thật? Bạn có phải là người cứng nhắc, rập khuôn? Hãy thành thật với bản thân, khách quan đánh giá các bạn nghĩ, đánh giá, cư xử với người khác. Hãy đặt mình trong vị trí của người khác để mở lòng hơn, tương tác với nhau tốt hơn.
Trong môi trường làm việc, bạn có muốn được mọi người chú ý đến thành tựu của bạn không? Khiêm tốn nhưng không tự tin, nhút nhát. Hãy tạo cơ hội cho người khác tỏa sáng, hãy chú ý tới mọi người xung quanh thay vì chú tâm vào những lời tán dương cho bản thân.
Tự đánh giá điểm yếu, điểm mạnh của bản thân một cách trung thực để thay đổi tốt hơn mỗi ngày.
Trong những tình huống éo le, bạn có trở nên tuyệt vọng khi chúng xảy ra không như những gì bạn mong muốn? Bạn có giận dữ, giận cá chém thớt… Khả năng giữ bình tĩnh là hết sức cần thiết, đó chính là cách kiểm soát cảm xúc của bạn.
Hãy là người sống có trách nhiệm. Nếu bạn làm ai đó tổn thương thì hãy xin lỗi họ, chứ đừng phớt lờ những gì bạn làm hoặc né tránh họ. Có câu rằng, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, ai cũng sẽ sẵn lòng tha thứ và quên đi lỗi lầm nếu như bạn chân thành hối cải.